Tuesday, November 24, 2015

Hạt Máu

ta còn ta hạt máu
vỡ bên trời căm căm
mười năm thơ ẩn náu
rụng giữa người đăm đăm

ta còn ta râu tóc
hút theo mùa long đong
em còn em tiếng khóc
lướt muôn trùng mây trong

mười năm qua vội vã
mười năm trôi ơ hờ
mưa trong người xối xả
nắng ngoài đời trơ vơ

em em quỳ xuống đó
có nghe hồn mang mang
trái tim mình quá nhỏ
sao dậy lời vang vang

mười năm em ở lại
mười năm ta qua đường
mười năm đầy ái ngại
mười năm tràn tai ương

ta vẫn cười ngạo nghễ
dù em em phai màu
ta còn ta dâu bể
trắng trăm mùa sương ngâu

mười năm như nước trong
mười năm như hư không
mười năm mười năm rụng
hút xa ngoài mênh mông

NGUYỄN ĐỨC BẠT NGÀN

Saturday, November 21, 2015

E-Book THUỞ HẸN NGƯỜI

Tặng Phẩm Tháng Mười Một 
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
THUỞ HẸN NGƯỜI (E-Book)
trường ca hoang
Việtnam, 1972 
First Electronic Edition Published in 2015
ISBN: 978-0-9686001-5-3
Copyright © Batngan Duc Nguyen
All rights reserved
Lưu Trữ Tại Thư Viện Quốc Gia Canada
(Library and Archives Canada)
Các bạn có thể lấy xuống hoặc đọc online,
theo đường dẫn (link) sau đây:
http://epe.lac-bac.gc.ca/100/200/300/batngan_duc_nguyen/thuo/THUO-HEN-NGUOI_BATNGAN-DUC-NGUYEN.pdf


Wednesday, November 18, 2015

Từ Những Đày Đọa Mộng (audio)

https://www.youtube.com/watch?v=cTiiZpoJJhw

Monday, November 16, 2015

Sáo Sang Sông






Sông Ô Lâu, khúc chảy qua làng Vĩnh An, Thừa Thiên. Bên kia là làng An Thơ, Quảng Trị. Sông khơi nguồn cho đời thơ tôi (nđbn, tháng mười 2006).





chờ chi biển rộng sông dài

còn chăng ghẻ lạnh gươm mài điêu linh
nđbn



   Ngồi soi mình vào khoảng trời xanh. Đâu đó vẫn là ánh sáng lồng theo đám mây che tự một thuở quê nhà. Vẫn triền miên một giọng hát. Vẫn đắm chìm theo câu hò mẹ ru. Con sáo sang sông nghìn xưa trăn trở trong tâm thức. Đã có một thời là hoài vọng, mong mỏi, nổi trôi. Và những vết thương, những công phá, những qui hàng trốn chạy. Lịch sử nhầy nhụa. Sống mà tưởng mình đã chết, đã hóa sinh, dù phải nương tựa vào đất trời nhưng tự linh hồn vẫn hàm dưỡng những bất phục, thờ ơ.

   Bầy sáo đã sang sông. Đã xổ lồng bay xa hàng loạt hàng đàn. Tiếng hò buốt nghẹn ngày nào bây giờ đã là tiếng thét điêu linh. Tự nhịp trống đồng nghìn xưa nuôi dưỡng hồn Lạc Việt. Chim Lạc ngạo nghễ chỉ bay về phương Nam nay đã phải thối thân thành những bóng sáo tội nghiệp. Phải bay. Bay không chỉ một đường phương Nam độc nhất. Chúng ta bây giờ cũng như thế. Hay đã như thế tự thời mới mở mắt. Mở mắt trong thiếu vắng nhân dũng của lịch sử, của tiền nhân.

   Xoay chuyển thế đất trời vào vận nước. Tham vọng tựu thành hạnh phúc cho quê hương, no ấm cho dân tộc vẫn là hoài bão cho bất cứ ai. Nhưng nhân dũng phải là một. Lưỡi kiếm nhập một. Lịch sử chúng ta bây giờ đầy ắp lòng nhân. Nhưng nhân ái chưa đủ là thứ vũ khí sắc bén diệt thù. Mất dũng tính, lịch sử chỉ mở ra một con đường. Con đường thất bại. Bài học lịch sử mãi còn đó và chói ngời thương đau. Kiếm thiêng đã được tôi luyện bằng máu, nhưng nô lệ vẫn đã đi qua hút cả cuộc đời người. Cái chết đã đầy rẽ chia thì ích gì khi sống lại đa mang những tín điều trá ngụy. Lịch sử đã ý thức được hết mọi điều, nhưng như sức mạnh của đầu ngọn thác ào ào cuốn phăng; đến khi chúng ta định được ý niệm, thời cơ thì mọi sự đã thản nhiên đi về biển, trầm sâu dưới đáy.

   Đặng Dung. Phan Bội Châu. Phan Chu Trinh... và chúng ta lẻ loi bây giờ. Giàu lòng hào khí nhưng thật nghèo trong chiến lược đoàn kết sức mạnh dân tộc. Bao độ vẫn còn là trăng soi. Tuổi già đi từ ngọn tóc trắng báo hiệu trên đầu cho đến tận cùng tan hoang trong tâm thức. Chí hướng của kẻ lên đường buổi đầu bao giờ cũng đầy ắp khí trượng phu. Nhưng sinh mệnh tổ quốc, lòng người bao giờ cũng sẵn bày thế cờ oan nghiệt.

   Mỗi đêm vẫn còn là bóng trăng lu với gió lao xao xô đuổi trên từng cao ốc, phân xé những tàng mây. Mây vô định nhưng còn vững chãi hơn phận người mất nước. Ngàn xưa cũng chỉ là sự định hướng sẽ chẳng bao giờ. Kẻ bại trận trước quân thù chắc chưa hèn yếu bằng kẻ bại trận của chính mình. Bại xuội, chua cay. Sống và chết. Sống không chu toàn được việc đời và chết thì trong trái tim uất ức cao dày hơn núi.

   Vẫn là triệu con chim sáo bị xua đuổi ra khỏi lồng, và lời tiễn đưa đầy ắp tử sinh. Trò chơi không thêu dệt bằng tâm hướng vô vi như thuở Không Lộ mỉm cười chứng kiến trời không quạnh buốt. Trò chơi đã hóa hiện bằng máu. Sự cuồng bạo đã nao lòng nhân loại, nhưng đó cũng là điều khiến cho nhân loại sợ hãi hèn yếu quay lưng.

   Mùa hạ miền đông bắc địa cầu vẫn có những cơn nóng sốt quá quắt của ngày nhiệt đới. Sự đối cực vẫn là hình ảnh cồn cát xanh chạy theo triền dừa lấp loáng ký ức cùng men say khói ám của những ngày mưa quê xa; tiếp nối như dặm dài lưu vong mãi trôi không ngừng như sông con như suối nguồn kéo theo vạn ý tình ra khơi, mất đắm. Tiếng chim lạ hoan hỉ. Lời nguyện cầu của tử tội ra pháp trường. Tất cả đều vỡ vụn trong tâm thức quê hương. Tâm thức trắng vỗ lên triệu tiếng còi man rợ cuồng điên say máu của những kẻ đang khua môi chiến thắng, hòa bình.

   Hãy vui đi em thơ, quê nhà và ngọn cờ bất nghĩa.

   Vẫn còn hoài một phương này lửa dậy nuối vọng về một phương kia đắm chìm trong cuộc sống mặc áo giấy. Như lũ cô hồn tứ cố vô thân đêm đêm phất phơ đầu bãi cuối bờ. Chiến thắng không che lấp được tủi nhục. Vinh quang không nguôi được bão tố. Sông dài bể rộng núi cao tượng hình xứ sở hắt hiu. Tình mẹ, tấm lòng nhân dũng nuôi dưỡng kháng chiến. Sự uy liệt của đất nước, hào hùng của tiền nhân. Tất cả kết tụ thành di sản hư hoại khổng lồ cho cháu con thừa hưởng.

   Đêm gió, quê người đầy sương. Giữa thềm đá lạnh vẫn còn đôi mắt sơn khê vọng nhìn bốn phương tám hướng. Trên nền đất quê xưa chắc vẫn còn những cánh chuồn vỗ về đưa hơi cho đám lau sậy hoài hủy nhớ thương. Chắc vẫn còn thì thầm từng âm sóng vỗ mãi theo tình tự đã mất quân bình trong cuộc sống. Những bầy gió xưa còn vồ vập suốt chiều dài tổ quốc? Trường Sơn cao đối đầu cùng biển Đông sâu, hay sông Đỏ phương Bắc đã chìm đi tham vọng nuốt chửng sông Rồng phương Nam. Sự tương tranh lâu ngày đã trở thành thói quen bất trị. Việt nam. Mỏm đá nhọn đâm buốt vòm trời lịch sử loài người. Việt nam. Chòm đại hùng bay lạc ra ngoài trục định hướng. Bay lạc hay bay ngược giữa triệu tấm lòng hóa thạch vô tri.

   Lịch sử vẫn lên đường, ra đi ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên như thảm họa. Ngẫu nhiên như dân tộc đang no bằng tung hô và ngợi ca. Chút khoai sắn tình nghĩa đã vắng bóng. Sự bình dị đã chết trước tiến trình cách mạng hóa lịch sử của người cộng sản. Giai cấp nào là giai cấp công nhân. Là liên minh công nông. Là chuyên chính, là vô sản tuyệt đối. Nước mắt chảy xuống. Giai cấp này tựu thành và sản sinh giai cấp kia. Duy nhất. Thống trị và bị trị. Một thế hệ máu bị lừa bịp. Cách mạng. Dân tộc. Tổ quốc. Thù nhà nợ nước. Bác và Đảng. Oan khiên.

   Ngày xưa tìm nhau trong tri kỷ, trong men rượu, trong tâm đắc, hay tìm nhau trong đường đi. Đường đi dù vạn dặm nhưng vẫn nằm trong đất nước. Mây trắng nơi nào cũng là mây quê hương. Tính tang bồng dễ thương trong ý nghĩ. Sáng bún bò Quảng Trị. Chiều mì quảng Tam Kỳ, hay ngày mai hủ tiếu Bạc Liêu... Ước muốn lăn tròn trên tấm thảm quê hương thuở nào, bây giờ mở ra dặm đường tuyệt tận. Vời trông nơi đâu? Suốt một vòng địa cầu còn quá nhỏ. Nhỏ trong chí luân lạc nhưng thật mênh mông cho cuộc quay về.

   Thưa Mẹ, đất nước đang vô cùng tang thương, con biết.

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
(Canada, 1981)

Saturday, November 14, 2015

Wednesday, November 11, 2015

37 NĂM, TÌNH THƠ (KHÔNG BAO GIỜ CŨ) CHO TIÊN

từ hôm nay là đời ta hiển hiện
sống trong nhau thơm hạnh phúc vợ chồng
từ hôm nay là đời ta vĩnh viễn
cùng băng rừng vượt biển qua sông

Bạc Liêu ngày 10 tháng 11, 1978
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Sunday, November 8, 2015

OAN KHUẤT

tôi thường nhớ về tai biến 30 tháng tư 1975 với hệ quả sau đó
đây là bước ngoặt lớn của dân tộc
nhưng giai cấp cầm quyền đã điên mê cuồng tín
khiến cho đất nước rơi xuống vực trầm luân

những lúc như thế
dăm câu lục bát của tôi
từ thời đó bỗng trồi trong tâm tưởng

đôi khi thơ không là thơ
thơ là đất là sông là biển là núi là nước
là nhân chứng phong ba
là bồi hồi bão táp

dân tộc đang chìm giữa oan khuất
nửa này nửa kia
sau mấy mươi năm vẫn còn vọng tiếng gào thảm thiết

-------

VIỆTNAM,
sau 30 tháng tư 1975

quê hương đổ sụp tan tành
cùng chung máu mủ sao đành đoạn nhau
mẹ về đâu cha trôi đâu
núi sông sông núi gãy đầu tang thương
bắc nam hoang lạnh chiến trường
đạp lên thống nhất một đường khổ đau
trường sơn cao biển đông sâu
cũng không chở hết oán sầu nhân dân

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN